Review phim, phim mới
Review phim Mai – Tiếng lòng chua chát của người phụ nữ
Thời lượng: 131 phút
Đạo diễn: Trấn Thành
Diễn viên: Phương Anh Đào, Tuấn Trần, Trấn Thành, Ngọc Giàu, Khả Như, Uyên Ân, Anh Đức, Việt Anh, Hồng Đào
Quốc gia: Việt Nam
Thể loại: Hành động, phiêu lưu, giả tưởng
Được gắn nhãn 18+, phim Mai xoay quanh câu chuyện cuộc đời nhiều đắng cay, tủi nhục của một nhân vật nữ cùng tên do Phương Anh Đào thủ vai. Một cô gái không phải ở cái tuổi mới lớn hay mơn mởn thanh xuân mà phim khai thác vào lúc cô gái ấy đã 37 tuổi. Mai đơn độc dọn vào một khu chung cư cũ và gặp gỡ cậu hàng xóm 30 tuổi tên Dương (Tuấn Trần) với dáng vẻ “bad boy” sống ở căn hộ đối diện.
Dương vốn là một kẻ “sát gái” nên ngay khi vừa gặp Mai cậu đã không ngừng tán tỉnh. Một ngày, Dương đi mát-xa và bắt gặp Mai chính là nhân viên đang làm cho mình. Trước sự lạnh nhạt của Mai, Dương càng tăng thêm khao khát chinh phục cô. Chuỗi ngày sau đó là hành trình Dương cua Mai với loạt tình huống “thả thính” nặng đô.
Hãy cùng Kat tìm hiẻu và phân tích nhé ⇒
MAI
7 / 10
Cách phát triển nhân vật nhiều lỗ hổng
Các nhân vật của phim Mai đều có sự biến chuyển tâm lý, tình cảm xuyên suốt bộ phim. Ở Mai – nhân vật chính của tác phẩm thì khán giả có thể cảm nhận được những giằng xé, nổi loạn trong suy nghĩ, hành động của cô. Nhưng còn Dương – một nhân vật đóng vai trò cũng quan trọng không kém trong phim Mai lại có nhiều bước tiến nhảy vọt khó hiểu. Từ chàng trai lông bông, đào hoa, bỗng chốc biến thành kẻ si tình số 1 khi chưa đủ thuyết phục người xem về mặt cảm xúc nhân vật.
Timeskip là điều không xa lạ gì trong một bộ phim. Tuy nhiên có vẻ việc lạm dụng nó như một cách để biến hình, thay da đổi thịt cho nhân vật ít nhiều gây nên những thắc mắc cho khán giả. Nhân vật đang “bơi” trong đống hỗn độn ngổn ngang thì chỉ sau 1 khoảng thời gian bí ẩn lại trở thành con người khác mà không có bất cứ cơ sở nào để hình thành.
Chemistry thiếu vắng những giây phút chân thật
Đây có lẽ sẽ là điểm trừ lớn khi phim Mai là một bộ phim tâm lý, tình cảm nhưng chất xúc tác giữa 2 nhân vật chính lại rất khiêm tốn. Phản ứng hoá học của Mai và Dương do Phương Anh Đào và Tuấn Trần thủ vai gần như bằng 0. Họ thật sự là “đôi đũa lệch” trong phim dù chờ mãi vẫn chỉ thấy sự gượng gạo đến khó tin.
Lời thoại ngọt ngào của cặp đôi mang lại cảm giác văn mẫu sến rện và nổi da gà cho người viết từ ánh mắt, biểu cảm cho đến đài từ của cả 2. Có lẽ do cốt lõi tuyến tình cảm được xây dựng thiếu bền vững của Mai và Dương đã tạo nên những phân cảnh tương tác cứng đờ như thế. Dù “cảnh nóng” của cặp đôi có thời lượng tương đối dài nhưng cũng không đủ sức tạo nên cảm xúc chân thật nào cho người xem tin vào tình yêu của Mai và Dương.
Diễn xuất bùng nổ của những “nàng Đào”
Đài từ của Phương Anh Đào vẫn là một cái gì đó khó có thể mượt mà, giàu cảm xúc nhưng diễn xuất của cô nàng đã được khai phá bài bản trong phim Mai. Một Phương Anh Đào lạnh lùng, khép kín trở nên hạnh phúc, rạng rỡ và chẳng mấy chốc lại rơi xuống hố sâu vụn vỡ, đau đớn đến tột cùng. Các trường đoạn cao trào cảm xúc đều được cô đảm nhận và xử lý tốt từ nội tâm nhân vật cho đến khi bùng nổ thành hành động.
Hồng Đào chắc chắn là ngôi sao sáng của phim Mai. Cô thể hiện trình độ diễn xuất vượt bậc của mình với những biểu cảm đầy tinh tế và cực kỳ tự nhiên. Các phân đoạn đối thoại căng thẳng được nữ diễn viên biến hoá linh hoạt trong nhu có cương, trong cương có nhu. Không cần la làng, nhăn mặt hay gằn giọng, Hồng Đào diễn cảnh chửi, cảnh đe doạ nhẹ tựa lông hồng mà vẫn khiến khán giả thấm thía.
Phim Mai khai thác sâu sắc những khác biệt về suy nghĩ, lối sống của từng giai cấp, tầng lớp xã hội. Dẫu Mai có những phẩm chất tốt thì cô vẫn bị xem nhẹ chỉ vì không “môn đăng hộ đối”. Từ đây, giá trị con người bị định đoạt bởi xuất thân chứ không còn dựa vào đức hạnh của mình nữa.
Phim Mai cũng khắc hoạ chân thật nội tâm của một con người khi đứng trước những lời phán xét hay thậm chí là định kiến lâu đời, hình thành len lỏi trong suy nghĩ chúng ta. Nhân vật Mai làm nghề mát-xa và điều đầu tiên xuất hiện trong tiềm thức của người khác sẽ là đôi chút gì đó không mấy tích cực về Mai. Họ đồn cô làm gái, cặp đại gia, rù quến chồng người khác và muôn lời thị phi vì ngành nghề, vẻ bề ngoài, hay đơn giản chỉ vì cô là phận con gái một thân một mình.
Gia cảnh, nghề nghiệp, học vấn, giới tính,… tất cả đều là cái cớ để người ta có thể buông lời đánh giá. Tiếng lòng trong Mai dường như cũng đại diện cho những ấm ức, kìm hãm lâu nay của bất cứ người xem nào. Ai mà chẳng có một lần trong đời bị vu oan, bị đặt điều, và rằng chúng ta có đủ mạnh mẽ, dám phản kháng để đấu tranh cho chính bản thân mình ?
Sự tiết chế của Trấn Thành được bộc lộ rõ nét
Trấn Thành sau 2 bộ phim đầu tay đã có được cho mình những cải thiện tích cực trong điện ảnh. Đầu tiên, phim Mai đã là một chủ đề mới so với 2 tác phẩm về đề tài gia đình, về cách biệt thế hệ. Dù yếu tố gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong phim Mai nhưng lại không chiếm spotlight mà vẫn tạo điều kiện để câu chuyện về Mai được toả sáng.
Sự ồn ào – nét đặc trưng trong phim của Trấn Thành đã được tiết chế hơn. Đầu phim như thường lệ vẫn là những tình tiết tấu hài gây cười, lời qua tiếng lại sỗ sàng nhưng về sau đã có sự tinh giản hợp lý để không tạo cảm giác ồn đến mức khó chịu cho người xem.
Các góc quay, màu phim trong phim Mai cũng cho thấy sự đầu tư, để tâm nhất định với nỗ lực giúp tác phẩm mang màu sắc điện ảnh hơn. Tiếng chửi thề của phim cũng được đặt đúng nơi, đúng chỗ và phát huy được công dụng bồi đắp cảm xúc của nó chứ không còn hở tí là chửi như Nhà Bà Nữ.
♥♥♥ Đánh giá:
IMDB: 9/10
Google: 9/10
Rotten Tomatoes: Chưa đánh giá
Phim Mai của Trấn Thành có thể nói là bước đi thú vị trong sự nghiệp đạo diễn của anh. Không đóng khung bản thân trong những bộ phim thuần gia đình, Trấn Thành đã có những tiếp thu tích cực cho bộ phim lần này. Tác phẩm Mai có thể không hoàn hảo và đôi chỗ hơi “sượng” nhưng những thông điệp mà nó mang lại thật sự có ý nghĩa và đáng để người xem suy ngẫm.
Còn bạn, bạn đánh giá phim này như thế nào?